Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Mua sắm trực tuyến, hại là gì ? (Phần 2)

Gần như mọi việc đều có tính hai mặt của nó, mua sắm online cũng không phải là ngoại lệ. Mong muốn bạn đọc dễ dàng có được cái nhìn tổng quan về những ưu nhược điểm của việc mua sắm online. Chính là mục đích của chuỗi bài viết với chủ đề: Mua sắm online, lợi gì? Hại gì? Xin mời các bạn cùng theo dõi!
Tiếp nối, bài viết: Mua sắm online, lợi gì? Hại gì? (Phần 1). Trong phần này, bài viết sẽ đề cập đến 5 rủi ro phổ biến khi người dùng mua sắm trên online.
1. Rủi ro về chất lượng sản phẩm/dịch vụ
Khi mua sắm hàng hóa dịch vụ trên online, bạn cần hết sức lưu ý về mẫu mã, bao bì. Nếu được bạn nên tham khảo qua những người thân quen đã mua sản phẩm, hay tham khảo ý kiến người dùng trên mạng. Thậm chí có thể yêu cầu người bán cung cấp hình ảnh, video không qua chỉnh sửa về sản phẩm để bạn xem trước khi quyết định.
Tiếp theo là hạn dùng, chính sách bảo hành, bồi thường và đổi trả sản phẩm, bạn cần đọc kỹ những điều này và liên hệ trực tiếp người bán để làm rõ những thắc mắc dù là nhỏ nhất của mình. Việc này sẽ giúp bạn tránh được những tình huống dở khóc dở cười về sau khi nhận được sản phẩm không như mong đợi, và mất tiền mất thời gian cho việc đổi trả lại.
2. Rủi ro về thanh toán
Đối với việc thanh toán online, bạn phải cẩn thận kiểm tra toàn bộ các thông tin một cách chính xác, nhất là tên và số tài khoản, mục đích chuyển tiền, bởi khi đã đồng ý chuyển tiền ra khỏi tài khoản của mình thì việc rút lại sẽ rất khó khăn.
Bạn nên chọn hình thức “thanh toán tạm giữ” để đảm bảo chỉ khi nhận được hàng đúng mô tả, người bán mới có thể rút tiền, như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi của bạn hơn so với việc chuyển tiền trực tiếp cho người bán khi mua hàng online. Chọn mua tại đơn vị đã được gắn chứng nhận đảm bảo của bên thứ 3 (như nhà cung cấp dịch vụ thẻ, ngân hàng, nhà cung cấp ví điện tử, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông…), hãy lựa chọn những đối tác có uy tín để bảo đảm có thêm cơ chế giám sát và an toàn cho giao dịch. Ngừng giao dịch ngay khi người bán yêu cầu cung cấp mã pin, mật khẩu ngân hàng hoặc các thông tin cá nhân khác không liên quan, vì đây là dấu hiệu rất rõ ràng cho những hành vi lừa đảo. Sau khi hoàn tất giao dịch, cần giữ lại bản sao tất cả các loại giấy tờ hay email từ việc chào hàng, tài liệu quảng cáo, hợp đồng, hóa đơn chứng từ và các trao đổi khác giữa hai bên để làm chứng cứ bảo đảm quyền lợi khi có tranh chấp với đơn vị kinh doanh sau này.
3. Rủi ro trong việc vận chuyển
Đối với một số sản phẩm hàng hóa dễ bị hư hỏng do tác động bởi yếu tố bên ngoài như đồ điện tử, đồ gốm, thủy tinh, thực phẩm… bạn cần tìm hiểu rõ về qui trình, trách nhiệm giao nhận, tốt nhất là yêu cầu người bán hoặc đơn vị vận chuyển chịu trách nhiệm về sản phẩm cho đến khi đến tay bạn.
4. Gánh chịu các khoản chi phí phát sinh
Việc người dùng phải gánh chịu thêm các khoản chi phí phát sinh khác như tiền vận chuyển, thuế,.. thường rơi vào các trường hợp   mua sắm online từ nước ngoài. Nếu bạn có ý định săn mua đồ nước ngoài thì đặc biệt lưu ý thêm về các phần phát sinh này, để tránh việc kì vọng mua được đồ xịn giá rẻ, nhưng thực tế thì lại phải tốn rất nhiều tiền.
5. Nổi hứng mua sắm vô tội vạ
Rủi ro này chủ yếu xuất phát từ tâm lý tiện lợi, ham rẻ của người dùng khi  mua sắm online. Nên đôi khi dễ nổi hứng mua sắm vô tội vạ, dẫn đến sự lãng phí không cần thiết.
Tóm lại, dù với bất kì hình thức mua sắm nào, truyền thống hay trên online thì cũng đều có mặt tốt, mặt chưa tốt, vì nhiều lí do. Do đó, hãy luôn là người tiêu dùng thông minh khi đầu tư thời gian tìm hiểu đúng mực, cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định. Để việc mua sắm thực sự trở thành niềm vui, và thật sự thỏa mãn nhu cầu của bạn nhé.
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

 
© 2011 Azibai - Giải pháp công nghệ kinh doanh trực tuyến
Designed by MinhNA
Posts RSSComments RSS
Back to top